Đào, phở và piano lấy bối cảnh trận Hà Nội 1946, vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến trước khi quân Việt Minh rút lui lên Việt Bắc. Ngày 17 tháng 2 năm 1947, tại một chiến lũy bên trong khu phố cổ Liên khu phố 1, các dân quân tự vệ của Trung đoàn Thủ Đô phải chống chọi với một cuộc tấn công bằng xe tăng và súng hiện đại của lính Pháp. Họ đã đáp trả bằng vũ khí thô sơ như lựu đạn và pháo tép, tạm thời cầm chân quân địch để những người còn lại triệt thoái. Văn Dân là một dân quân nằm trong số đó. Với lòng nhiệt thành cách mạng, anh không ngần ngại đăng ký đơn làm cảm tử quân cho Việt Minh. Sau khi trận chiến kết thúc, khu phố cổ chỉ còn lại một đống hoang tàn đổ nát. Ông họa sĩ trong đoàn được giao vẽ cờ đỏ sao vàng lên những tấm vải trắng để khâm liệm, làm nghi thức tang lễ cho các chiến sĩ đã nằm xuống tại đây. Điều này cũng khiến ông hết màu đỏ để tiếp tục vẽ tranh. Trong khi đó, những quân lính đang thu thập thêm vũ khí chuẩn bị rời đi. Văn Dân, khi bị chê trách vô dụng vì hôm qua đánh hỏng một quả lựu đạn, đã tự ái xin phép đến xưởng quân giới để lấy thêm vũ khí.